Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label nangluccanhtranh. Show all posts
Showing posts with label nangluccanhtranh. Show all posts

Sunday, July 19, 2009

Chấn hưng Giáo dục để nâng cao Năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Chấn hưng Giáo dục để nâng cao Năng lực cạnh tranh của Việt Nam

ThS. Phạm Quốc Trung, Khoa QLCN. ĐHBK Tp.HCM

Đọc tựa đề, có lẽ mọi người sẽ cho rằng đây chỉ là ‎quan điểm chủ quan của tác giả nhằm nhấn mạnh vai trò của Giáo dục, chứ đâu thấy mối liên quan trực tiếp nào giữa Giáo dục và Năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm, vì nếu xem xét kỹ trong chỉ số về Năng lực cạnh tranh quốc gia, ta sẽ thấy trong đó có hai thành phần quan trọng là Giáo dục và KHKT. Vì vậy, đây là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp lên năng lực cạnh tranh của mỗi nước. Đặc biệt, yếu tố cản trở nhiều nhất đến việc cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện nay theo thống kê chính là yếu tố Giáo dục.

Trước tiên, chúng ta hãy xem biểu đồ sau:

Đây là biểu đồ so sánh năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam và 1 số nước xung quanh. Bảng xếp hạng này được tham khảo từ Trung Tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (http://www.jcer.or.jp/ ), trong đó sắp hạng 50 nước được quan tâm nghiên cứu.

Trong bảng xếp hạng này, dễ dàng nhận thấy, gần 30 năm qua năng lực cạnh tranh của Việt Nam không hề có tiến bộ, chỉ dao động ở ngưỡng 48 hoặc 49. Nếu so sánh với một số nước xung quanh, thì chỉ có Ấn Độ là bạn đồng hành với Việt Nam ở thứ hạng này. Nước có tiến bộ vượt bậc về năng lực cạnh tranh phải kể đến Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Còn Singapore luôn ở thứ hạng rất cao trong bảng sắp hạng này, nên không nói tới ở đây. Nước có năng lực cạnh tranh đi xuống gồm có PhilippinesIndonesia.

Như vậy, nếu nhìn vào bảng xếp hạng này, ta thấy Việt Nam nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thì nên học tập theo tấm gương của Malaysia và Thái Lan vì các nước này cùng trong khối Đông Nam Á và có hoàn cảnh, năng lực và quy mô gần giống với Việt Nam.

Nếu xét kỹ hơn về các thành phần của chỉ số Năng lực cạnh tranh này, ta sẽ thấy rõ hơn bức tranh phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua theo nhiều khía cạnh, và từ đó tìm ra được điểm yếu nhất để tập trung khắc phục.

Hãy nhìn vào biểu đồ chi tiết sau:

Biểu đồ trên so sánh thứ hạng của các yếu tố trong Năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo thời gian, từ 1980 đến nay. Các yếu tố chính này gồm có: Hợp tác quốc tế (Internationalization), Doanh nghiệp (Enterprises), Giáo dục (Education), Tài chính (Finance), Chính phủ (Government), KHKT (Science&Technology), Hạ tầng (Infrastructure) và CNTT (IT).

Dựa vào biểu đồ này, ta nhận thấy, Năng lực cạnh tranh chung của Việt Nam không thay đổi từ 1980 đến nay không phải do các yếu tố trên không thay đổi, mà bởi có những yếu tố phát triển đi lên, nhưng đồng thời cũng có những yếu tố tụt hậu đi xuống, khiến cho chỉ số chung không thể tăng như mong muốn.

Vậy yếu tố nào đã kéo Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt lại? Nhìn vào biểu đồ, dễ dàng thấy ngay đó chính là yếu tố Giáo dục (từ thứ hạng 24 năm 1980 đã tụt xuống thứ hạng 46 năm 2008). Ngoài ra, KHKT của Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá mạnh so với các nước (luôn đứng cuối bảng từ 1990 tới nay). Tuy nhiên, đây lại là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến con người, đến đội ngũ lao động, kỹ sư, các nhà khoa học… từ đó ảnh hưởng đến các yếu tố khác của sự phát triển. Điều này lí giải tại sao, Việt Nam mặc dù có nhiều tiến bộ ở các lĩnh vực như: Hợp tác quốc tế, tăng số lượng và vai trò của các loại hình DN, cải cách tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng không nâng được chỉ số năng lực cạnh tranh chung.

Tại sao phải tập trung vào Giáo dục, thay vì các yếu tố khác cũng yếu kém, như: CNTT, Năng lực điều hành của Chính phủ, KHKT… Lí do chính là khi nhìn vào biểu đồ trên, ta thấy rằng tiềm lực về Giáo dục ở nước ta khá mạnh so với các lĩnh vực còn lại, vì ở những năm 1980, nước ta đã có thứ hạng khá cao về Giáo dục (hạng 24/50), trong khi đó CNTT, Chính phủ, KHKT đều nằm ở những thứ hạng thấp trong suốt gần 30 năm qua. Vì vậy, một khi được đầu tư xứng đáng, thay đổi tư duy quản lí lạc hậu, tạo điều kiện phù hợp cho sự sáng tạo và đổi mới phương pháp giáo dục… thì khả năng khôi phục lại vị trí xứng đáng của giáo dục Việt Nam là rất cao.

Từ phân tích trên, ta thấy rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, việc tập trung đầu tư cho phát triển giáo dục, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng KHKT vào cuộc sống phải là ưu tiên hàng đầu, dùng nó làm đòn bẫy cho cả nỗ lực phát triển của xã hội.

Hơn nữa, xã hội loài người đang bước vào làn sóng thứ 3 của sự phát triển, làn sóng thứ 1 là thời đại Nông nghiệp, sự giàu có đặt trên việc sở hữu đất đai, làn sóng thứ 2 là thời đại Công nghiệp, sự thịnh vượng dựa trên sự sở hữu vốn tư bản, và làn sóng thứ 3 là thời đại Tri thức, sự thịnh vượng đặt trên việc sở hữu tri thức và khả năng sử dụng tri thức để tạo ra và cải tiến các sản phẩm và dịch vụ (theo Savage C., “Fifth Generation Management”). Chính vì vậy, ở thời đại này, quốc gia nào tạo được nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giáo dục, thu hút nhiều nhân tài hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì sẽ có được vị thế cao trong cộng đồng quốc tế.

Ngày nay, nước ta đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước để theo kịp đà phát triển của thế giới, việc nâng cao vị thế đất nước để hội nhập với xu hướng phát triển chung của nhân loại trong nền kinh tế tri thức là một nhu cầu vô cùng cấp bách. Điều này, đòi hỏi những chính sách đúng đắn của chính phủ trong việc phát huy các điểm mạnh hiện tại, khắc phục những yếu kém, bất cập trong hai lĩnh vực Giáo dục và KHKT, tiếp tục phát triển hơn nữa hạ tầng cơ sở và IT để tạo thuận lợi cho các yếu tố khác phát triển.

Trong thời đại tri thức, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho Giáo dục đào tạo và NCKH, để từ đó nâng cao trình độ giáo dục chung của toàn dân. Chính phủ và ngành giáo dục cần chú trọng vào việc tạo ra và đáp ứng đủ nhu cầu về đội ngũ kỹ sư, công nhân tri thức, khoa học gia có đủ chất lượng, có khả năng tiếp thu tri thức của thế giới, ứng dụng vào thực tiễn công việc, sáng tạo và đóng góp và kho tàng tri thức chung của nhân loại. Ngoài ra, các nhà làm chính sách phải tạo được chế độ sử dụng và đãi ngộ hợp lí với đội ngũ lao động tri thức, bất kể nguồn đào tạo, nhà nước phải thể hiện thực tâm giữ và thu hút người tài, dù ở ngoài nước hay trong nước, vào những dự án, chương trình lớn của quốc gia. Làm được như vậy, Việt Nam đã chuẩn bị cho mình những điều kiện rất tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển chung của thế giới trong thế kỷ 21.