Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label cuoinam. Show all posts
Showing posts with label cuoinam. Show all posts

Friday, December 31, 2021

Ý nghĩa thời gian

 

Ý nghĩa thời gian


Rồi anh trở thành một ông già
Trên thành phố này
Đi dưới những hàng cây
Năm xưa chúng ta qua đó

Em sẽ trở thành một bà già
Lưng còng tóc bạc da mồi sương
Lớp bụi thời gian sẽ phủ che tất cả
Chỉ còn ký ức trong bóng đêm nhạt nhoà

Dòng sông năm xưa lặng lẽ trôi
Mang theo những nụ hoa vàng
Tiếng cười em bay trong thinh không
Ngày ấy đã xa rồi

Chúng ta sẽ lặng lẽ từ biệt nhau
Lần cuối
Anh đi vào cõi vô cùng
Không có gì hối tiếc
Em sẽ về, khơi lại chút kỷ niệm
Tàn phai hoa gấm
Đừng khóc nhé! Em yêu!
Như một chút mặt trời trong nước
Một chút nắng mặt trời
Trên đại dương mênh mông…

PTL

Tuesday, December 22, 2020

Năm 2020 - một năm "trải nghiệm trực tuyến" đáng nhớ


Năm 2020 - một năm "trải nghiệm trực tuyến" đáng nhớ

Cuối năm, là khoảng thời gian để mỗi người cùng ngẫm nghĩ về một năm đã qua và lên kế hoạch cho một năm sắp tới. Năm 2020 sắp khép lại là một năm gắn liền với đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng tới mọi người, mọi quốc gia. Nói chung, trong năm qua, mọi tổ chức thuộc mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều bị xáo trộn và ảnh hưởng ở mức độ nhiều hoặc ít khác nhau. Khi nhìn lại năm vừa qua, một cụm từ hiện ngay lên trong đầu tôi, đó là cụm từ "trải nghiệm trực tuyến". Có thể nói, do ảnh hưởng của virus Corona trên phạm vi toàn cầu, các chính sách giãn cách xã hội của nhiều nước, và các quy định hạn chế tiếp xúc giữa người với người do Covid-19, mà trong năm 2020, rất nhiều hoạt động trên thế giới thực đã buộc phải chuyển qua thế giới ảo, môi trường trực tuyến và không gian mạng Internet. Điều này mang lại cho nhiều người những trải nghiệm trực tuyến vừa bỡ ngỡ, lúng túng và cũng vừa thú vị. Xin chia sẻ lại một số trải nghiệm trực tuyến của tôi trong năm vừa qua như là những ký ức thú vị về một năm dịch bệnh và cũng nhiều biến động.

Đầu tiên, là kinh nghiệm giảng dạy livestream bằng video tương tác qua Youtube, phối hợp với Google Meet theo quy định của trường trong HK2 năm 2019-2020. Ngay sau tết Canh Tý, các trường đồng loạt cho HS-SV nghỉ học từ 1-3 tháng, và một số trường đã triển khai giảng dạy trực tuyến một phần hay toàn phần. Một số trường từ tiểu học đến đại học cũng đã áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến để tránh việc mất bài của học sinh do nghỉ học kéo dài. Trong xu thế đó, ĐHBK Tp.HCM cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, giảng dạy online chỉ giới hạn ở việc upload bài giảng và các video quay sẳn lên hệ thống e-learning của trường cho SV tự học. Nhưng sau đó, trường đã ra quy định yêu cầu tất cả các môn phải triển khai thêm phương thức giảng dạy livestream qua Youtube và tương tác qua Google Meet. Việc triển khai này ban đầu cũng gặp phải một số khó khắn, lúng túng trong việc triển khai, do việc yêu cầu các thầy/cô phải đến studio của trường thay vì thực hiện từ nhà, cộng với việc thiếu truyền thông và đào tạo một cách đầy đủ. Nhưng sau một thời gian, thì mọi việc cũng đâu vào đấy, các thầy/cô và SV cũng dần thích nghi với hình thức giảng dạy và học tập trực tuyến. Đối với tôi, việc triển khai các yêu cầu này không có gì khó khăn lắm vì đúng chuyên môn của mình là lĩnh vực MIS. Tuy nhiên, qua trải nghiệm giảng dạy trực tuyến của mình, tôi cũng nhận thấy một số hạn chế của phương pháp giảng dạy online như: mức độ tập trung và gắn kết của SV chưa cao (những tuần đầu có sự hào hứng thì số lượt xem và làm BT online tốt, nhưng giảm dần ở các tuần sau), mức độ tương tác thấp (số câu hỏi trong các buổi tương tác thường ít và chất lượng câu hỏi thấp do người học không chuẩn bị trước), sự sẳn sàng của người học thấp, khó triển khai các phần thực hành và làm việc nhóm...

Cũng trong HK này, tôi cũng đã tham gia một số phiên bảo vệ đề cương, LVTN trực tuyến qua Google Meet. Nhìn chung, cũng không khác mấy so với phiên bảo vệ truyền thống, nhưng bảo vệ trực tuyến đòi hỏi các thành viên HĐ và SV bảo vệ cũng cần làm quen với các công cụ và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng gặp phải một số trục trặc về kỹ thuật, như: âm thanh không rõ, bị tiếng vang, một vài thành viên bị rớt mạng, chia sẻ màn hình cũng chưa tốt do người dùng chưa quen... Việc hỏi đáp cũng tương đối ổn, mặc dù có đôi chỗ âm thanh bị trễ và có cảm giác người nói không diễn tả được hết ý. Điểm hay của bảo vệ online là có thể ghi lại (record) phiên bảo vệ để nghe hoặc xem lại khi ghi biên bản sau này. Ngoài ra, trong dịp này, tôi cũng có trải nghiệm tham gia 1 phiên bảo vệ LATS mà thầy hướng dẫn ở nước ngoài, kết nối với HĐ thông qua hệ thống trực tuyến chuyên dụng. Với hệ thống này thì chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn khi trao đổi. Đây cũng là một kinh nghiệm thú vị, ở đó, các thành viên HĐ có thể nghe nhận xét và trao đổi trực tuyến với GVHD ở  một khoảng cách địa lý rất xa.

Trong thời điểm cao trào của dịch Covid-19, một số buổi họp bộ môn và họp khoa cũng phải được tiến hành online. Việc họp online nói chung là có chất lượng tốt hơn so với giảng dạy, vì quy mô nhỏ hơn, và các thầy/cô cũng đã quen sử dụng công cụ sau 1 HK triển khai giảng dạy tương tác. Ngoài ra, ở 2 học kỳ vừa qua, tôi cũng chủ động sử dụng phương pháp họp trực tuyến qua Google Meet để tổ chức họp lớp giữa GVCN với các SV trong lớp mà tôi chủ nhiệm. Việc họp tỏ ra thuận tiện, vì cả thầy và trò đểu có thể kết nối từ bất cứ nơi nào theo lịch họp đã định. Tuy nhiên, cũng có một vài vấn đề gặp phải, đó là: một vài SV kết nối nhưng không nghe và đi làm việc gì khác (việc này cũng gặp phải khi họp khoa), hoặc tham gia thiếu tích cực khiến chất lượng thảo luận thấp và việc hỏi đáp rất ít, không được như buổi họp trên thế giới thực. Ngoài ra, một số tiếng ồn hoặc trục trặc kỹ thuật cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng buổi họp.

Đến khoảng tháng 8, tôi lại có dịp  được trải nghiêm tham gia một khóa học In-Country Workshop tổ chức trực tuyến do ĐHBK Tp.HCM phối hợp với ĐH. Arizona (Mỹ) với chủ đề về "phát triển kỹ năng giảng dạy trực tuyến và xây dựng hệ sinh thái trực tuyến". Nội dung khóa workshop khá sát và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, so với các workshop truyền thống, thì workshop trực tuyến trên môi trường Zoom có vẻ khó tiếp thu hơn cho người tham dự, mặc dù chất lượng đường truyền và hệ thống kỹ thuật tương đối ổn. Cảm giác chung của tôi là có một khoảng cách "vô hình" giữa người dạy và người học khiến việc tương tác bị hạn chế và workshop không đạt được chất lượng như kỳ vọng. Trên thực tế, các giảng viên từ ĐH. Arizona đã sử dụng và chia sẻ khá nhiều kỹ thuật hỗ trợ cho việc học trực tuyến, như: Kahoot, case study, survey, sandbox trên e-learning, Q&A... , nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Có lẽ hiểu được hạn chế này, ban tổ chức đã sử dụng hệ thống trợ giảng (TA) tại chỗ để nâng cao hiệu quả buổi học, như: giải đáp một số thắc mắc và hướng dẫn hoạt động..., nhưng có vẻ các TA vẫn chưa hoàn thành tốt vai trò kết nối giữa giảng viên và người học. Hy vọng, ở những khóa học trực tuyến trong tương lai, ban tổ chức và đội ngũ TA sẽ làm tốt hơn vai trò của mình ở khâu kết nối này.

Đến tháng 11/2020, tôi lại có dịp trải nghiệm tham gia một Hội nghị quốc tế trực tuyến do Changwon National University (Hàn Quốc) tổ chức với vai trò là điều phối phiên thảo luận. Hội nghị được chuẩn bị khá chu đáo, với nhiều bài tham dự từ các nước, như: Hàn Quốc, Taiwan, Phillipine, Indonesia, Thailand, Vietnam... Các tác giả phải gửi ppt bài trình bày đến ban tổ chức từ ít nhất 1 tuần trước. Trước buổi Hội nghị chính thức, các diễn giả/ chair cũng phải kết nối và thử nghiệm hệ thống Zoom để xem có trục trặc gì hay không. Nhìn chung, là chất lượng kỹ thuật rất tốt. Tuy nhiên, các bài trình bày trực tuyến có cảm giác hơi thiếu hấp dẫn, và việc trao đổi, hỏi đáp còn khá ít và kém sinh động hơn so với một phiên Hội nghị trên thế giới thực. Dù sao, trải nghiệm tham gia Hội nghị quốc tế trực tuyến từ nhà cũng khá thú vị, giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc điều phối các tương tác và hỏi đáp trên môi trường trực tuyến.

Ngoài ra, trong năm 2020, phương tiện trực tuyến cũng được tôi sử dụng để trao đổi với các sinh viên, học viên, đối tác nước ngoài qua các hoạt động, như: hướng dẫn luận văn, hướng dẫn thực tập tốt nghiệp, hướng dẫn (mentor) cho một nhóm khởi nghiệp ở Singapore, hướng dẫn cho 1 nhóm SV tham gia cuộc thi trực tuyến ERPSIM Friendly Global do SAP UCC tổ chức. Các cuộc thi, buổi trao đổi, và gặp mặt online này, dù có ít nhiều bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu do chưa quen, nhưng cũng đem lại nhiều kinh nghiệm thú vị cho các bên tham gia.

Tóm lại, cả năm 2020 đã mang đến cho tôi nhiều cơ hội trải nghiệm trực tuyến, với nhiều vị trí khác nhau: giảng viên, học viên, thành viên HĐ, GVCN, họp với đồng nghiệp, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu... Đó là chưa kể đến những trải nghiệm ở vai trò người tiêu dùng khi mua sắm và thanh toán trực tuyến ở các website, ứng dụng thương mại điện tử. Cho dù ở vị trí nào, việc thành thạo công cụ là điều kiện cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả trải nghiệm trực tuyến. Tuy nhiên, công cụ chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là yếu tố then chốt cho sự thành công của một hoạt động trực tuyến. Điều quan trọng nhất đó là nội dung, kiến thức, và hoạt động tương tác giữa các bên tham gia mới quyết định chất lượng của các hoạt động và trải nghiệm trực tuyến trên thực tế. Ông bà ta thường nói "trong cái rủi có cái may", có lẽ cũng đúng. Chính trong hoàn cảnh rủi ro của dịch bệnh Covid-19, mà chúng ta mới có dịp trải nghiệm nhiều hoạt động trực tuyến đến vậy chỉ trong 1 năm ngắn ngủi. Đây là những kinh nghiệm quý giá, để chúng ta có một tầm nhìn về tổ chức, về môi trường sống trong kỷ nguyên số, một khái niệm mà trước giờ chúng ta vẫn đề cập đến một cách mơ hồ qua cụm từ "cách mạng công nghiệp 4". Hy vọng, những trải nghiệm này sẽ tạo cảm hứng cho chúng ta đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số ở phạm vi tổ chức và cả quốc gia, để trong tương lai, chúng ta có thể thật sự gặt hái được những lợi ích to lớn mà Internet và cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại. 

Nhân dịp cuối năm, chuẩn bị bước sang năm mới, hy vọng những khó khăn, dịch bệnh, thiên tai, rủi ro của năm cũ cũng sẽ qua đi nhanh chóng. Chúc cho mọi người, mọi nhà cùng đón một năm mới 2021 an lành, thịnh vượng, thành công và hạnh phúc!

PQ. Trung

Wednesday, December 30, 2015

Đổi mới & Nghiên cứu khoa học

Dạo này, đang tập hợp tư liệu để viết giáo trình môn Quản lý Tri thức, một môn học mình đã giảng mấy năm nay. Hy vọng sẽ kịp hoàn tất trong năm tới.
Nhân cuối năm, muốn post gì đó trên blog để đỡ bị móc meo, nhân tiện, copy 1 đoạn trong cuốn sách này về đổi mới & nghiên cứu khoa học để chia sẻ với mọi người về công việc đang làm.
Bài viết thay cho lời chúc mừng năm mới thành công, hạnh phúc đến mọi người. Chúc những ai đang làm NCKH một năm mới nhiều năng lượng, ý tưởng mới và sáng tạo thêm nhiều tri thức mới, để đóng góp vào việc cải tiến xã hội !

30-12-2015
PQT

===

Đổi mới & Nghiên cứu khoa học


Như đã trình bày ở trên, sáng chế không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là thành quả của một quá trình lao động trí óc nghiêm túc. Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động đổi mới và sáng tạo, các tổ chức cần đầu tư vào hoạt động nghiên cứu & phát triển của mình. Ở đó, hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt động trực tiếp tạo ra tri thức mới và là cách thức duy nhất để tạo ra giá trị cho các tổ chức dựa trên tri thức. 
Nghiên cứu khoa học đòi hỏi một quy trình chặt chẽ và một phương pháp làm việc khoa học, bắt đầu từ việc xác định vấn đề, thu thập và phân tích dữ liệu, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp cho các vấn đề. Một số nghiên cứu, còn đòi hỏi phải đánh giá và thử nghiệm giải pháp. Trong nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu phải hiểu được cách tiếp cận phù hợp với vấn đề của mình, chọn lựa công cụ và phương pháp thích hợp, phân tích kỹ lưỡng và tuân thủ tính logic trong các lập luận để tìm ra giải pháp tối ưu cho vấn đề cần nghiên cứu. Các công cụ hỗ trợ cho mô hình hóa bài toán, phân tích dữ liệu bao gồm: công cụ mô hình hóa, định lượng, thống kê, phân tích tối ưu, phân tích chuyện gì-nếu (what-if) , mô phỏng…
Thông thường, có 2 cách tiếp cận đối với hoạt động nghiên cứu khoa học là: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính phù hợp với các vấn đề mới, chưa có nhiều dữ liệu và cơ sở để phân tích. Nghiên cứu định lượng là cần thiết đối với các vấn đề đã được biết nhiều, có các lý thuyết và cần tìm hiểu sâu hơn dựa trên số liệu. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp 2 cách tiếp cận trên cho từng giai đoạn hoặc từng bộ phận của vấn đề. Trong lập luận, có 2 phương pháp thường dùng là: diễn dịch (thiên về định lượng, xuất phát từ lý thuyết, thu thập dữ liệu, và kiểm định lý thuyết ở bối cảnh mới), và quy nạp (thiên về định tính, bắt đầu từ tổng hợp lý thuyết, thu thập & phân tích dữ liệu, và phát triển lý thuyết mới).
Bởi vì tính chặt chẽ, nghiêm ngặt của hoạt động nghiên cứu khoa học, đôi khi, người ta có cảm giác nó làm hạn chế hoạt động sáng tạo và đổi mới trong tổ chức. Thật ra, hai hoạt động nghiên cứu và sáng tạo đòi hỏi 2 loại tư duy khác nhau, nhưng không nhất thiết loại trừ nhau. Tư duy khoa học đòi hỏi tính chặt chẽ và logic, trong khi tư duy sáng tạo đòi hỏi sự cởi mở và vượt ra ngoài khuôn khổ cũ. Tuy vậy, 2 loại hình tư duy này không loại trừ, mà chúng hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động tri thức của mỗi người, bao gồm: phân tích, tổng hợp, suy luận và tạo ra tri thức mới. Vì vậy, các tổ chức hiện đại cần bổi dưỡng và phát huy đồng thời cả 2 loại tư duy này cho nhân viên của mình để giúp họ vừa có khả năng nhìn nhận vấn đề theo chiều sâu, và mở rộng góc nhìn theo chiều rộng, từ đó, có thể tìm ra những giải pháp mới, vừa có tính sáng tạo, vừa mang tính hệ thống, và có cơ sở lập luận chặt chẽ. Gần đây, một loại kỹ năng mới, được gọi là kỹ năng hình chữ T (T-shaped skill), nó chỉ đến khả năng hiểu biết vấn đề cả theo chiều sâu và chiều rộng, được cho là rất quan trọng, vì nó giúp nhân viên có thể phát huy tốt cả 2 loại hình tư duy khoa học và sáng tạo.
Trong nghiên cứu khoa học, có 2 loại hình nghiên cứu chính là: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Trong khi nghiên cứu cơ bản chỉ nhắm vào mục tiêu tri thức, thì nghiên cứu ứng dụng có động cơ chính là ứng dụng tri thức, cải tiến phương pháp, hay giải quyết một vấn đề thực tế. Do đó, sản phẩm của nghiên cứu cơ bản là tri thức mới mang tính lý thuyết, nhưng đối với nghiên cứu ứng dụng, sản phẩm là những kết quả ứng dụng tri thức cơ bản để giải quyết một vấn đề cụ thể. Vì vậy, nghiên cứu cơ bản có thể xem là nền tảng của nghiên cứu ứng dụng. Ở các nước phát triển, nghiên cứu cơ bản được ưu tiên phát triển, bởi nó được xem là động lực cho sự tiến bộ xã hội về lâu dài. Còn ở các nước đang phát triển, nghiên cứu ứng dụng được chú trọng nhiều hơn, vì nó mang lại giá trị nhanh chóng, giúp ứng dụng tri thức để giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Việc nghiên cứu ở các doanh nghiệp thường thiên về nghiên cứu ứng dụng, vì nó giúp tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cải tiến quy trình công nghệ, những thứ có ý nghĩa đối với nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiệp lớn, ngoài việc đầu tư vào bộ phận nghiên cứu & phát triển để thúc đẩy các sáng chế mới, họ còn chú trọng tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các trường đại học, viện nghiên cứu, hoặc các đối tác trong và ngoài nước. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì hạn chế về nguồn lực, nên việc tự nghiên cứu có phần khó khăn hơn, họ thường phải dựa vào nguồn lực bên ngoài, như hỗ trợ từ chính phủ, các kết quả khoa học được công bố đại chúng, các bằng phát minh sáng chế đã hết hạn độc quyền, hoặc dựa vào sự hợp tác, hỗ trợ từ các trường đại học và hiệp hội ngành nghề. Ngoài ra, một số kỹ thuật/ công cụ cũng có thể được vận dụng để giúp tăng cường tính sáng tạo, và năng lực nghiên cứu ở cả 2 loại hình doanh nghiệp, bao gồm: não công (brainstorming), hoạt động nhóm (teamwork), dịch vụ hỗ trợ (helpdesk), thư viện (library), dịch vụ tư vấn (consulting), kho/ cổng tri thức (knowledge repository/ portal), phần mềm hỗ trợ mô hình hóa, mô phỏng (simulation, business analytic…).
Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, các doanh nghiệp không chỉ nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu phát triển, mà họ còn thấy rằng việc đưa các sản phẩm mới ra thị trường còn quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, để nhấn mạnh sự kết nối giữa hoạt động nghiên cứu khoa học (tìm ra tri thức mới) và hoạt động sản xuất kinh doanh (biến tri thức thành sản phẩm trên thị trường), các tổ chức đã đặt lại tên của bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) thành Nghiên cứu, Phát triển & Thương mại hóa (R&D&C), hoặc Khoa học, Công nghệ & Dự án (S&T&P). Sự chuyển đổi này càng cho thấy tốc độ ngày càng tăng của việc tạo ra tri thức mới và đưa tri thức vào hoạt động sản xuất kinh doanh. VD: Theo phát biểu của Gordon Moore (1965), người sáng lập tập đoàn Intel, vòng đời phát triển các chip vi tính mới của Intel thường là 1,5 năm. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, và yêu cầu cạnh tranh của thị trường toàn cầu, tốc độ đưa ra thị trường của các thế hệ phần cứng, phần mềm mới được rút xuống còn 1 năm, hoặc thậm chí là ngắn hơn nữa.

Trong tác phẩm “Crossing the chasm” (Vượt qua hố thẳm) của Geoffrey A. Moore, tác giả đã chỉ ra có một khoảng trống rất lớn từ quá trình tạo ra tri thức mới (sáng chế), đến việc biến nó thành sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường (sáng kiến). Vì vậy, những nhà đổi mới thường không vượt qua được khoảng trống này, và chịu thiệt khi thành quả từ những sáng kiến của mình lại rơi vào tay các đối thủ đến sau, nhưng có khả năng đáp ứng được nhu cầu với quy mô lớn của thị trường. Điều này được gọi tên là “nghịch lý của nhà đổi mới”. Cuốn sách cũng chỉ ra rằng, để vượt qua khoảng trống này, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị sẳn sàng cho việc chuyển đổi nhanh chóng về quy mô, cách thức kinh doanh để có thể thu lợi từ những sáng chế của mình.

Wednesday, December 23, 2009

Những suy nghĩ cuối năm 2009


Còn vài ngày nữa là hết năm 2009, một năm của những biến động, thay đổi...
Thời tiết lúc này khá lạnh, mọi người lại rộn ràng chuẩn bị cho những kế hoạch vui chơi trong những ngày nghỉ tết. Đường phố lại nhộn nhịp với những dòng người qua lại. Các cửa hàng, siêu thị đều được trang hoàng lộng lẫy cho một mùa giáng sinh và năm mới sắp tới.

Năm đến rồi năm đi, đông tàn rồi lại xuân...
Cứ thế mọi việc trên đời cũng trôi chảy bất tận như một dòng sông, không biết lúc nào dừng.

Thời điểm cuối năm, có 1 chút thời gian rảnh rỗi, cũng là lúc mọi người nên dành ít phút để nhìn lại chính bản thân mình, xem rằng một năm qua, mình đã làm được những gì, và những gì chưa làm được. Xem lại những suy nghĩ, lời nói, hành động của mình trong một năm đã qua, có gì còn chưa tốt, còn cần khắc phục để trở nên hoàn thiện hơn.
Có nhìn lại chính mình, đặt những mục tiêu cao hơn để phấn đấu, mình mới thấy là cuộc đời thật ý nghĩa, mới thấy mỗi ngày trôi qua, mỗi bước chân mình đi là mình đang tiến gần đến sự hoàn thiện. Và hành trình đó thì không bao giờ kết thúc cả.
Có thể những cái ở thời điểm này mình cho là hay rồi, là tốt rồi, nhưng một năm sau có khi mình lại thấy vẫn còn chưa hay, chưa tốt, và cứ như thế... mục tiêu cứ mở rộng dần cho đến vô hạn theo tầm hiểu biết của mình về thế giới xung quanh.
Vì vậy, càng sống nhiều, càng có nhiều kinh nghiệm, thì mình càng nhìn thấy cuộc đời rõ hơn, và hành xử đúng hơn. Mình sẽ biết sống với những giá trị lâu dài, bền vững, hơn là chạy theo những hào hoa, giả tạm của cuộc đời.
Những giá trị lâu dài đó chính là tình cảm giữa con người với nhau, là lòng yêu thương, độ lượng, vị tha, là trí tuệ phán đoán đúng sai, là sự bao dung, chấp nhận và ít cố chấp...
Những hào hoa, giả tạm cũng có rất nhiều, như là danh vọng, địa vị, tài sản, lời khen, tiếng chê, thắng, thua, thành, bại...
Biết sống với những giá trị lâu dài, thì mỗi năm qua, mình lại tích lũy thêm được nhiều hạnh phúc bởi mình sẳn sàng cho đi những tình cảm và tri thức mà không có gì để sợ mất, còn sống với những giá trị nhất thời, giả tạm, thì mỗi năm trôi qua, mình sẽ càng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng bởi mình sẽ phải luôn tranh đua để đạt được, và bất an, lo lắng vì sợ mất.
Mong sao, mọi người luôn biết sống với những giá trị chân thật của cuộc đời, để sau một năm, dù thuận buồm xuôi gió, hay gian nan vất vả, khi nhìn lại, mình vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, và mĩm cười hạnh phúc. Để từ đó, sẳn sàng chuẩn bị cho một hành trình mới, hướng tới những mục tiêu cao hơn và đẹp hơn ở phía trước. Dù hoàn cảnh sắp tới có thế nào, nhưng với tình thương và sự hiểu biết, thì lúc nào trên hành trình mình đi qua, cũng sẽ đầy ắp những hoa thơm và trái ngọt.

Chúc cho mọi người một mùa giáng sinh thật vui vẻ và một năm mới 2010 thật nhiều niềm vui, an lành và hạnh phúc !
Kyoto - 23/12/2009